Vậy là sau chuyến bay dài 2 giờ đồng hồ, cuối cùng mình cũng đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Lúc trên máy bay cảm tưởng không nắng lắm. Thu mà, trong lòng cũng hấp hé câu thơ:
Sài Gòn đón ta vào một ngày nắng hạ
Nội Bài trả lại một chiều thu
- Ảnh chụp lúc máy bay đã hạ cánh
Nhưng ngờ đâu vừa bước ra khỏi máy bay, nắng Nội Bài đã “táp” luôn vào mặt một cách gay gắt không thương tiếc.
- Mọi người lấy hàng hóa ký gửi
Cảm giác tự hào sâu sắc về quê hương
Sau khi ra khỏi sân bay, cán bộ tỉnh cùng hơn 10 chiếc xe buýt đã đứng sẵn đó để đón công dân trở về. Đoàn gồm hơn 10 chiếc xe buýt nối đuôi nhau trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai được dẫn đầu bởi xe cảnh sát giao thông hướng về khu cách ly. Lúc đó trong lòng mình dâng lên cảm giác tự hào vô hạn về quê hương Vĩnh Phúc.
Khoảng 16h10 là về đến khu cách ly tại Trung đoàn 834 ở Quang Hà – Bình Xuyên. Khu cách ly tương đối rộng rãi, thông thoáng và có nhiều cây xanh. Ngoại trừ tòa nhà của các chiến sỹ ở thì các tòa nhà khác đều được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.
- Chiến sỹ cán bộ đã đứng sẵn chờ người dân về
Điều kiện vệ sinh, ăn ở khu cách ly như thế nào?
Điều kiện ở
Mỗi một phòng cách ly sẽ gồm 4 người, ưu tiên phụ nữ có thai, người già và trẻ nhở ở tầng một; còn đàn ông con trai thì sẽ ở tầng hai. Ngoài ra ưu tiên sắp xếp người cùng gia đình, anh em họ hàng ở chung phòng.
Mình thì ở chung phòng với 3 người khác; trong đó một đứa em có quen từ trước, còn lại một ông anh 9x và một ông chú sinh năm 78 không quen biết.
Phòng cách ly rộng khoảng 24m2 gồm 3 giường, mỗi giường 2 tầng. Trong phòng có 2 quạt gắn tường và 1 bóng điện. Phòng rộng rãi, thông thoáng chỉ có điều hơi nóng (đi cách ly mà, cũng không đòi hỏi gì thêm).
Trong phòng đã để sẵn một chổi chít, một chổi lông cứng, một cây lau nhà, một chai nước rửa tay 500ml và một chai Vim.
Mỗi một người sẽ được phát một túi đồ vệ sinh cá nhân gồm: 1 cục xà bông lifeboy, 1 khăn mặt, 1 bàn chải đánh răng, 1 tuýp kem đánh răng, 1 dây dầu sunsilk 14 gói/14 ngày cách ly, 1 cốc nhựa, 1 chai nước muối sinh lý 500ml và 2 cuộn giấy vệ sinh.
Bên cạnh đó, mỗi giường đều có 1 tấm chăn mỏng, 1 gối đầu, 1 màn theo đúng chuẩn của chiến sỹ bộ đội.
Điều kiện vệ sinh
Mặc dù 4 người/phòng nhưng nhà vệ sinh và nhà tắm dùng chung với phòng bên cạnh. Nghĩa là 8 người/phòng vệ sinh/phòng tắm.
Phòng tắm gồm 1 bồn rửa mặt, 1 gương, 1 vòi sen, 1 vòi nước và giá treo quần áo.
Nhà vệ sinh gồm 1 bồn cầu + súng bắn nước (chỉ có điều quá yếu nên không thể xịt được).
Điều kiện ăn
Tiêu chuẩn một ngày gồm 3 bữa ăn:
- Bữa sáng: 6:30 gồm đồ ăn nhẹ như bánh mỳ, sữa, bánh tẻ.
- Bữa trưa: 11h30 gồm 1 món rau; 3 món mặn như thịt, trứng, cá; 1 cốc canh; 1 ít nước chấm; 1 miếng hoa quả tráng miệng.
- Bữa tối: 18h30 cũng tương tự như bữa trưa.
Ngoài ra còn có đủ thìa, đũa, giấy ăn và tăm.
- Bữa cơm tối ngày 1 gồm có đậu, thịt lợn rang, thịt gà, rau cải luộc và dưa hấu tráng miệng
Việc lấy đồ ăn được thực hiện qua 3 bước:
- Bước 1: Các chiến sỹ chuẩn bị đồ ăn tại đến khu vực cách ly.
- Bước 2: Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuyển về khu cách ly, đặt ở một cái bàn lớn.
- Bước 3: Mỗi phòng cử một người xuống lấy đồ ăn. Phòng 4 người thì 4 suất ăn, mỗi người một suất ăn riêng, không ăn tập trung.
Sau khi ăn xong thì tự giác mang vỏ hộ xuống bỏ ở khu đổ rác tập trung.
Việc lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly
Ở khu cách ly, ngay hôm đầu về thì mình được lấy mẫu xét nghiệm luôn. Mỗi người có ống nghiệm riêng của mình.
Sau đó thì cứ 2 ngày là lấy mẫu một lần. Nhân viên y tế đến tận phòng để lấy mẫu.
Ngoài ra, mỗi phòng sẽ được phát một nhiệt kế y tế và một bảng theo dõi sức khỏe.
Bảng theo dõi sức khỏe có các hàng về nhiệt độ, ho, khó thở, viêm phổi. Mỗi người tự theo dõi sau đó điền vào bảng 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Cứ đầu buổi ngày hôm sau thì nhân viên y tế sẽ đến và ghi lại kết quả từ bảng này.
Khu cách ly được chiến sỹ bộ đội phun khử khuẩn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Chủ yếu là phun ở khu vực sân và hành lang chung, không phun ở trong phòng.
Mình thương nhất là cảnh mấy chị y tế lấy mẫu đến tận tối muộn mà điện không có, phải dùng đèn flat điện thoại chiếu sáng. Và số lượng lấy mẫu thì đông. Thậm chí đến hơn 8h tối sau khi kiểm tra lại thì vẫn còn thiếu 2 mẫu nữa chưa xuống xét nghiệm.
- Hai chị bảo ai soi đèn sáng nhất thì sẽ được ưu tiên lấy trước 🙂
Nỗi ám ảnh mang tên ý thức cùng nỗi sợ bị lây nhiễm chéo
Thực sự về khu cách ly mình không có gì để phàn nàn. Các chiến sỹ bộ đội và các nhân viên y tế luôn nỗ lực hết mình để cung cấp cho bọn mình các điều kiện tốt nhất. Họ không chỉ chăm lo cho riêng mình mà toàn bộ khu cách ly có khoảng 400 người nên mình vô cùng biết ơn.
Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất của mình đó là sợ bị lây nhiễm chéo trong khu cách ly bởi vì ý thức của những người đi cách ly cùng thực sự quá kém.
Bốn người trong phòng mình thì đều nghiêm túc chấp hành nội quy nhưng những người hàng xóm phòng kế bên thì không vậy. Họ tụ tập, tụm năm tụm ba ngoài ban công tám chuyện. Họ chạy từ phòng này qua phòng khác để kể cho nhau nghe chuyện này chuyện kia. Họ không kìm hãm được vì 5 tháng lockdown ở Sài Gòn có quá nhiều chuyện để nói sao?
Nhưng nếu chỉ như vậy thì đã không đến nỗi mình sợ.
Mình sợ bởi vì họ tụ tập nói chuyện mà không đeo khẩu trang. Họ đi từ phòng này qua phòng khác mà không đeo khẩu trang. Nhân viên y tế đến kiểm tra phòng, họ cũng không đeo khẩu trang.
- Điển hình của việc không đeo khẩu trang và ngồi vắt vẻo ngoài ban công – ảnh từ cửa sổ phòng mình
Họ ăn cơm xong, miệng ngậm tăm xỉa răng, hồn nhiên ra ngoài ban công uống nước súc miệng mà không đeo khẩu trang. Họ cởi trần ngồi vắt vẻo trên ban công mà không đeo khẩu trang. Họ vô tư ngồi hút thuốc mà không đeo khẩu trang.
Ôi khói thuốc! Đi cách ly mà gặp có người hàng xóm nghiện thuốc lá thì thực sự không muốn chút nào!
Chưa dừng lại ở đó. Họ nói chuyện rất to và vô ý thức, từ phòng này vọng qua phòng kia quá ồn khiến phòng mình không sao ngủ được. Và tất nhiên để tám chuyện được to và thoải mái như vậy thì họ cũng không đeo khẩu trang.
Đỉnh điểm lúc chiều tối nhân viên y tế đến hỏi xem phòng mình có mấy người, mình vừa mở cửa nhóm ra ngó xem nhân viên y tế ở đâu thì ngay phòng bên hai ông cũng nghé lại nhìn mình. Sáu mắt nhìn nhau. Bốn mắt không có khẩu trang gì cả làm mình hơi hoảng!!
Vậy nhân viên y tế có nhắc không? Ban quản lí khu cách ly có nhắc không?
Tất nhiên là có. Ban quản lí vẫn bắc loa nhắc nhở hàng ngày. Nhân viên y tế có nhắc nhở nhưng chỉ được một lúc rồi đâu lại vào đấy. Mình thực sự không hiểu tại sao họ lại chủ quan đến vậy. Trong khi mới chưa được một ngày cách ly. Tại sao họ lại bất cần như vậy nhỉ?
- Dù tối muộn nhưng nhân viên y tế vẫn luôn nhắc nhở và làm việc hết sức
Mình thực sự sợ các bạn ạ. Mình sợ nhất là lúc ở giữa tâm dịch Sài Gòn thì không sao nhưng khi về đến quê hương thì lại bị covid chỉ vì ý thức tồi tệ của những người cách ly cùng.
Càng sợ thì mình và mọi người trong phòng càng nhắc nhau bảo vệ bản thân cho tốt.
Việc này không thể trách nhân viên y tế hay các chiến sỹ bộ đội. Họ đã làm hết sức có thể rồi. Họ đã rất vất vả để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bọn mình cách ly. Nhưng ý thức, thực sự, đó là cái riêng rất riêng của mỗi người!
Nói đến đây mình lại nhớ đến cảnh có người bước vào nhà tắm. Sau đó thì có tiếng xả nước. Sau khi xả nước xong thì có tiếng khạc nhổ và xì mũi. Sau đó thì không còn tiếng gì tiếp theo nữa. Ôi mình bị ám ảnh ấy!
Mình cũng xin đính chính thêm. “Họ” ở đây chỉ là một thiểu số người chứ không phải tất cả. Mình cũng gặp rất nhiều người có ý thức chấp hành cách ly rất tốt.
Wifi và mạng không ủng hộ
Một điều mà mọi người quan tâm là ở khu cách ly có wifi không? Mạng mẽo ra sao. Mình không biết các chỗ khác thế nào nhưng ở chỗ mình cách ly là Trung đoàn 834 thì không có wifi và sóng điện thoại rất yếu.
Nếu mình ở trong phòng thì gần như không vào được mạng. Mình đăng ký gói 4G Viettel nhưng rớt mạng liên tục. Máy chỉ hiện tín hiệu là “E” (mức yếu nhất ~3G) thay vì H+ hoặc 4G.
Cả sóng điện thoại lúc người nhà gọi điện cũng rất rè và chập chờn.
Muốn mạnh hơn thì phải ra ban công đứng bắt. Ra ngoài ban công thì mạng ổn định hơn, có thể bắt được 4G và tín hiệu H+. Nhưng cách ly mà, có ai muốn ra ban công nhiều đâu.
Mình đoán mạng yếu chắc là do doanh trại của các chú bộ đội yêu thiên nhiên có nhiều cây xanh quá mà!
Đêm trằn trọc không ngủ được
Do di chuyển cả ngày nên mình rất mệt. Đêm đầu tiên mình lên giường từ 8h mà mãi đến tận gần 12h vẫn không sao ngủ được. Sau đó thì mình thiếp đi lúc nào không biết.
Không ngủ được thì có nhiều nguyên nhân.
- Một là phòng bên nói chuyện rất to.
- Hai là nóng.
- Ba là lạ giường
- Và bốn là mình …sợ những người vô ý thức kia.
Lúc đêm ngủ mình cũng không yên tâm về đồ đạc, nhất là ví tiền và điện thoại. Trong phòng thì đều là người xa lạ. Phòng cũng không có tủ đồ riêng nên lúc ngủ mình đúc điện thoại vào túi đeo chéo rồi cuốn cái dây của nó vào vai và ôm nó đi ngủ cùng. Nghe thì hơi buồn cười nhưng mình cũng không có cách nào tối ưu hơn.
Trải nghiệm ngày đầu cách ly tại Trung đoàn 834 Quang Hà của mình là vậy đó. Mình tự hào về Vĩnh Phúc quê mình. Mình cám ơn và trân trọng những người chiến sỹ, y bác sỹ đã tạo điều kiện tốt nhất cho bọn mình. Mình quý những người cách ly có ý thức tốt. Mình không đòi hỏi quá nhiều vì là đi cách ly mà có phải đi nghỉ dưỡng đâu. Duy chỉ có nỗi sợ mang tên ý thức khiến mình rất không thoải mái và lo lắng.
Mình hy vọng ngày hôm sau sẽ có những trải nghiệm tốt hơn. Hy vọng ý thức của những người kia sẽ được cải thiện. Hẹn gặp lại bạn ở nhật ký ngày thứ hai nhé!
Vui lòng ghi nguồn Baohv.com khi chia sẻ bài viết này.
Bảo Hồ
Go inside, Move forward